Gặp các ‘cần thủ’ miền Tây hàng sư phụ

TTO – Cuối tháng 4, nắng miền Tây đổ lửa, chúng tôi tìm đến phà Vàm Cống – nơi có nhiều ‘cần thủ’ hàng ‘sư phụ’. Từ ngày bến phà ngừng đưa khách, vàm nước sâu này đã thành bãi câu hấp dẫn.

Gặp các cần thủ miền Tây hàng sư phụ - Ảnh 1.

Thành quả cá vồ sông trong chuyến câu của cần thủ – Ảnh: C.CÔNG

“Nhiều ông nghĩ câu chỉ đơn giản là móc mồi rồi chờ cá cắn. Hổng dễ nghen. Muốn câu bộn cá phải rành rẽ con nước, biết chọn điểm câu, biết làm mồi và quan trọng nhứt là phải chịu ôm cái nhẫn để ngồi đợi…”.

Ông Trần Văn Thoi, “cần thủ” khét tiếng trên sông Hậu đoạn qua Vàm Cống, vui vẻ kể chuyện.

Mấy người xuyệt cá tận diệt bằng điện rất ghét tụi tui, bởi tụi tui thấy là báo chính quyền. Từ khi mê câu, tụi tui chỉ chọn con lớn chớ không bao giờ bắt cá nhỏ để bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên.

Ông TRẦN VĂN THOI

Nhiều người câu, một người dính?

“Ngay hốc nước này nè, các cậu buông cần ra thước rưỡi, bảo đảm câu chơi ăn thiệt” – ông Trần Văn Thoi (55 tuổi, quê Đồng Tháp) chỉ nơi buông cần để dính được nhiều cá lớn. Nơi thả câu là ổ cá được ông Thoi “chứng nhận” sau nhiều lần dính cá ngát, cá vồ đém, cá lăng…

Vốn chạy xe ôm ở phà ngày trước, thời gian đợi khách, ông Thoi sắm bộ cần câu giết thời gian. Phà dừng, ông chuyển hẳn sang nghề câu.

Hơn 30 năm phơi nắng mưa buông cần dọc đôi bờ sông Hậu, ông Thoi rành rẽ kinh nghiệm “sát cá”. Dù sông rộng mênh mông nhưng theo ông, cần thủ nào cũng có những bãi câu của riêng mình và ít tiết lộ cho ai biết.

“Có những nhóm cần thủ đứng gần nhau nhưng chỉ một người trúng cá liên tục, còn lại toàn ôm gối buồn thiu. Đó là do họ biết nơi cá hay ăn mồi. Nhiều người bảo có số sát cá, chỉ đúng một phần thôi” – ông Thoi chia sẻ.

“Mà câu cá phải có nhẫn nữa nha, nhẫn cậu đâu? – ông Thoi hỏi, rồi bật cười – Không phải nhẫn đeo, mà kiên nhẫn đó. Câu cá kinh nghiệm đầy mình thì cũng nhiều bữa sáng xách cần đi, chiều thu về mà hổng có con cá nào. Chịu kiên nhẫn mới mần cần thủ được”.

Bài học đầu tiên chúng tôi được “sư phụ” Thoi bí truyền là nhận biết con nước thích hợp để buông câu. Thời điểm cần thủ khoái nhất để câu là con nước bắt đầu hừng lớn hoặc ngã ròng. Lúc này cá “máu” ăn, dễ dính mồi. Còn mồi câu thì đủ thứ, từ dế, gián, trùn biển, chuối, bánh mì đến… phá lấu, thịt heo quay.

“Nhưng mỗi loại cá đều có món khoái khẩu của nó. Cá sát khoái dế, cá tra hảo chuối, tôm càng xanh thì hạp trùn biển” – ông Nguyễn Văn Út (60 tuổi, ngụ Đồng Tháp) tiết lộ “bí kíp”.

Ông Út là chủ quán nước gần phà. Từ ngày cầu Vàm Cống thay phà, chiều nào ông cũng ôm cần ra cầu phà câu. Ông được “đồng nghiệp” nể phục vì từng giật được con cá lăng hơn 10kg.

“Cá sông nó mạnh dữ thần thiên địa. Lần đó tui cũng quần thảo hơn nửa tiếng, nương theo sức cá cho nó mệt rồi thu cần từ từ” – ông Út nhớ lại.

Thấy “đồng nghiệp” ngồi buồn thiu vì không câu được cá, ông Út quay sang chọc ghẹo: “Tui nói rồi, phải vô siêu thị mua chuối Đà Lạt cá mới ăn. Câu chuối già xứ mình quê mùa muốn chết, nó hổng thèm đớp là phải rồi”.

Ngoài bến phà, mé sông, nhiều cần thủ cũng xin lên các bè nuôi cá trên sông Tiền, sông Hậu để buông câu. Nhưng họ phải quen biết chủ mới được lên bè bởi quan niệm “động bè, cá chết”. Ông Út chia sẻ: “Chúng lại gần bè để ăn thức ăn của cá nuôi. Câu bè thì hay câu được cá lớn như cá cóc, cá tra sông. Có con gần chục ký chứ không giỡn chơi”.

Hôm chúng tôi ghé, ông Út cùng nhóm cần thủ đang câu tôm càng xanh. Khoảng 10 cần đặt cạnh mép sông ngay cầu phà. Theo ông Út, muốn câu được tôm phải chọn mồi trùn biển vì tôm rất khoái món này. Tuy nhiên, giá trùn này khá đắt (800.000 đồng/kg) nên cần thủ chỉ dám mua chút ít để câu.

“Có bữa số tôm câu được hổng bằng tiền mồi bỏ ra nhưng vẫn khoái” – ông Út chia sẻ.

“Cần thủ dày dạn chỉ cần nhìn độ nảy của cần, độ nặng hay nhẹ tay khi thu cần là có thể biết được dính cá hay tôm, to hay nhỏ – ông Út bày cách và dặn nhớ cẩn thận với ngạnh cá ngát – Mê cá mà quơ quào ẩu, ngạnh cá ngát đâm trúng là lên trạm xá luôn”.

Gặp các cần thủ miền Tây hàng sư phụ - Ảnh 3.

Ông Thoi và sọt tôm càng xanh câu được ở phà Vàm Cống – Ảnh: THÀNH NHƠN

Người trẻ mê câu

Về miệt bưng phèn (Long Mỹ, Hậu Giang), chúng tôi được nhiều người “chỉ điểm” theo cần thủ Võ Hiền Lương. Tay câu mới hơn 30 tuổi nhưng nổi danh khắp xứ vì độ “sát cá”, từng nhiều lần giật được những chú cá trên chục ký, bự như chân cột nhà.

Theo Lương, sông Cái Lớn đoạn chừng hơn 10km chảy vắt qua địa phận Long Mỹ, Vị Thủy có nhiều doi nông sâu. Đây là nơi cá về tập kết nhiều, nhất là cá vồ, cá vồ đém…

Sống bằng nghề “bà cậu” sông nước, ít ai chỉ chiêu cho ai. Nhưng Lương không ngại chia sẻ “bí kíp” với chúng tôi: “Cần thủ muốn câu được cá phải hiểu đặc tính từng loại cá muốn câu. Giả sử cá vồ thì phải biết chúng sống ra sao, ở đâu nhiều, mồi ăn thế nào?”.

Rẽ kênh Sáu Xuân, Lương chạy vỏ lãi thêm một đoạn đến khoảng nhà thờ Cái Nhum (xã Long Mỹ). Hai bên bờ lác đác vài cần thủ. Thấy con nước trong và đứng, cá ục nhiều, Lương tắt máy, tấp vỏ lãi thật êm vào mé dừa nước ven bờ.

Lôi ra cả năm cần câu, Lương thoăn thoắt móc mồi. Không dùng chuối chín, bần chín hay trái bình bát, cơm nguội như phần đông cần thủ, Lương dùng mồi trộn với thức ăn viên của cá.

Nước ròng đứng, anh buông cần gần chạm đáy, không dùng phao. Với cần thủ chuyên nghiệp, tùy con nước mà chọn cách câu phù hợp. “Năm cần này mỗi cần tui cột hai lưỡi, mỗi lưỡi chỉ mắc cục mồi vừa đủ. Cá háu mồi chừng vài phút là dính” – “cao thủ” Lương bày cách.

“Dính rồi” – Lương hô lên, một tay nhấc cần giật mạnh, tay còn lại xoay máy câu thu dây thật nhanh.

“Cá nhỏ thì sao cũng được, nhưng với cá lớn thì đừng gấp gáp kẻo tuột lưỡi xổng mất. Kinh nghiệm của tui là cứ thu cần từ từ, mười phần thì chắc ăn 7, 8 phần kéo được lên bờ” – Lương chia sẻ.

Hôm nay, thành quả buổi câu tròm trèm hai giờ là năm con cá vồ, cá vồ đém béo múp trên khoang vỏ lãi. Theo Lương, cách đây khoảng hai tháng, khi nước mặn đi sâu vào nội đồng, cá cũng theo dòng nước ngọt để né mặn.

“Lúc đó câu toàn cá bự, ngày cũng chục ký. Mấy nay cá ít rồi” – Lương kể.

Cần câu cơm của dân nghèo

 

ca 5 nhon

Lương và nhóm bạn chuyên câu cá vồ, vồ đém tại Hậu Giang – Ảnh: CHÍ CÔNG

“Giật vài ba ký cá ngon đem bán lòng vòng trong xóm cũng được ngót nghét một, hai trăm ngàn. Có thêm tiền mua gạo mắm và lo cho sắp nhỏ đi học” – Lương nói và tâm sự mình câu cá là thú vui nhưng cũng để kiếm sống.

Theo anh, ngày nay cá mú đã cạn dần, chứ hồi trước chỉ cần buông cần là có cá đem về. Dân quanh vùng dính cá vồ trên chục ký không phải chuyện hiếm. Mấy năm nay nước không về, trong khi nhiều người đánh bắt kiểu tận diệt nên hiếm dính cá lớn.

THÀNH NHƠN – CHÍ CÔNG

Nguồn: tuoitre.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *