Câu cá thấy dễ mà không phải dễ!
Người ngoài nghề thì cho câu cá là chuyên dễ, ngay cả trẻ con cũng làm được. Chỉ cần sắm đủ đồ nghề, rồi ra bãi câu ngồi móc mồi, buông cần rồi… chờ cá cắn. Thế nhưng, với những người đã từng vác cần đi câu thì đa số lại có nhận định trái ngược: Đúng là câu cá thấy dễ mà không phải dễ!
Vì nếu đó là việc dễ thì tại sao có người chịu khó ngồi câu cả ngày không dính được con nào, trong khi đó có người mới buồng cần đã gặp may lia lịa, đến nỗi giật cần không kịp!
Nếu đó là gặp may thì chỉ gặp một đôi lần, chứ may đâu mà cứ đến hoài, đến mãi, đến từ ngày này sang ngày khác?
Người mà sáng vác cần câu đi thì chiều xách giỏ cá nặng về là người câu chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong nghề, mà dân gian gọi họ là tay sát cá.
Làm sao để trở thành tay sát cá?
Thật ra, đó là chuyện không mấy khó khăn, nếu ta nắm bắt được những bí quyết sau đây:
YÊU NGHỀ:
Đa số những tay sát cá là người rất yêu nghề. Vì quá yêu nghề nên lúc nào họ cũng cố tìm hiểu mọi điều hay lẽ phải liên quan đến nghề, để rồi từ đó hình thành kinh nghiêm cho riêng mình. Chính nhờ quá yêu nghề nên họ cố tìm đủ mọi cách để… đấu trí với con cá, mà theo họ nó rất khôn ngoan đến độ tinh ranh. Nếu mình không khôn khéo hơn chúng thì khó lòng.. câu được chúng!
Tất nhiên, bước đầu họ cũng bị nếm nhiều thất bại, sáng vác cần đi chiều cũng xách cái giỏ không về, nhưng rồi nghề dạy nghề, dần dần họ cũng thành thạo và trở thành tay sát cá…
Ngay cái việc con cá ăn mồi không thôi cũng đủ làm cho ta… điên đầu. Thực tế cho thấy hễ thấy phao động đậy là biết cá đến ăn mồi, nhưng không phải trường hợp nào giật cần cũng tóm được cá! Chỉ khi trải qua nhiều kinh nghiệm ta mới biết được rằng:
Thấy phao động đậy nhẹ là biết cá đang ăn mồi nhưng ngậm chưa sâu.
Thấy phao bị kéo trượt một khoản ngắn rồi ngay sau đó lại trở về nằm im ở chỗ cũ là biết cá đã tha mồi nhưng rồi chê không ăn.
Thấy phao nhấp nhẹ lên xuống vài ba cái rồi nhưng sau đó lại nhấp nhẹ, đó là cá nhỏ đang đến rỉa mồi.
Thấy phao chìm nhanh một cách đột ngột là biết cá lớn hay cá con quá đói đang vồ vập miếng mồi.
Khi đã có kinh nghiêm về cách thức cá ăn mồi, ta mới biết đến cách giật cần đúng lúc để có cá bỏ vào giỏ:
Hễ thấy phao chạy theo chiều nào thì ta giật cần theo chiều ngược lại là lưỡi câu sẽ ghim vào miệng cá.
Hễ thấy phao chìm nhanh đột ngột thì không nên chần chữ, mà phải giật nhanh theo chiều thẳng đứng.
Nếu thấy phao bị kéo trượt một khoảng ngắn rồi ngưng, nếu giật cần cũng chỉ là cầu may vì con cá đó chỉ ngậm sơ miếng mồi rồi nhả.
Kinh nghiệm cũng giúp cho người đi câu biết cách giật cần:
Giật nhẹ quá, miếng mồi dễ vụt khỏi miệng cá.
Giật mạnh quá, cá dễ bị sứt mép và rơi tõm trở lại xuống nước.
Vì vậy, giật cần chỉ cần giật vừa phải, không nhẹ tay cũng không mạnh tay mới được.
Và khi đã có kinh nghiệm trong nghề thì chỉ nhìn sơ qua thế nằm của cái phao ra sao ta đã đón được vị trí của cái mồi bên dưới:
Nếu cái phao dựng đứng và nổi phân nửa trên mặt nước là biết cục mồi lơ lửng trong nước chứ không chạm sát đáy.
Ngược lại, nếu thấy cái phao nổi nằm ngang trên mặt nước là biết cục mồi câu đã chạm đáy.
Có biết được điều đó ta mới điều chỉnh cái phao sao cho thích hợp với cách câu của mình. Điều chỉnh cái phao trên sợi nhợ câu là cả một nghệ thuật chứ không phải việc dễ dàng. Thợ câu chuyên nghiệp phải tính toán chi li làm sao cho cái phao “đặt” cục mồi ở vào tầng giữa hoặc tầng đáy, phù hợp với tính ý ăn mồi của từng loài cá thì việc câu cá mới thành công như ý được.
Đó là mới chỉ nói kinh nghiệm về việc điều chỉnh cái phao trên sợi nhợ sao cho phù hợp. Ngoài ra, thợ câu chuyên nghiệp còn rành rẽ đến những điều khác nữa như cách tóm lưỡi ra sao, chọn mồi thích hợp cho từng loài cá như thế nào… Chúng tôi sẽ trình bày tiếp mục này vào những trang sau.
BIẾT TẬP TÍNH CỦA CÁ:
Muốn trở thành tay sát cá, ai cũng phải tìm hiểu rõ tập tính của từng giống cá mà mình thường câu như chúng thích đi lẻ từng con, bầy ít vài ba con hay rồng rắn đi tìm mồi cả đàn đông đảo. Họ cũng tìm hiểu để biết những giống cá nào nhút nhát, đa nghi, giống cá nào dạn dĩ, háu ăn…
Rồi giống cá nào thích ăn ở tầng đáy hoặc tầng giữa, tầng mặt? Những loại cá nào thích ăn mồi thực vật, mồi động vật, và cụ thể đó là thứ mồi gì? Giống cá nào chỉ thích ăn mồi tanh thối? … Tất cả những điều đó, ai sống với nghề đi câu càng thuộc hết nằm lòng, càng tốt.
Chỉ khi biết rõ được những đặc tính của từng giống cá, nhất là loại cá mình thường câu, thì việc câu chúng sẽ không mấy khó khăn:
Như đi ăn theo bầy đàn với cá đồng thì có rô, sặt, trê, chốt… Còn với cá sông thì có cá tra, chim trắng, chim đen, dứa, ngát… với cá có thói quen đi ăn theo bầy đàn, hễ bắt gặp mồi thích khẩu thì chen chúc vào tranh cướp, vì vậy người câu chúng mới được dịp may giật cần lia lịa; đến nỗi móc mồi không kịp, cho đến khi cả bầy cá đó lần lược chui hết vô giỏ của mình mới thôi.
Như cá háu ăn thì có bống dừa, cá chốt, cá trê, chúng cũng ăn theo bầy đàn và thấy mồi là nhào đến táp bạo. Nhiều khi câu hụt, thả cần xuống cá vẫn mạnh dạn ăn mồi trở lại chứ không sợ hãi gì. Vì vậy, gặp đàn cá đông đảo là người câu được dịp giật cần mỏi tay.
Còn cá có tính đa nghi là loài cá lóc. Chúng đa nghi vì chúng tinh khôn. Cá lóc có hai giống: một là cá lóc đen (tên khoa học là Ophiocephalus striatus) và hai là cá lóc bông (tên khoa học là Ophiocephalus micropeltes). Gọi là cá lóc đen để phân biệt với cá lóc bông, chứ nó có nhiều tên gọi khác nhau như cá sộp, cá lóc[1]. Cá lóc đen sinh sống ngoài đồng ruộng từ nam chí bắc nước ta, nhưng cá lóc bông chỉ sống ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long mà thôi. Hai giông cá này rất lớn con (lóc đen trọng lượng tối đa đến 7 kí, còn lóc bông trọng lượng tối đa lên đến 20 kí) và tinh khôn như nhau. Chúng gặp mồi, dù rê đến tận miệng nhưng chưa kịp đớp ngay. Người thợ câu phải chịu khó kiên nhẫn nhắp cần hoặc rê cần qua lại nhiều lần, có khi đến vài chục lần mới câu được nó. Câu được con cá lóc quả là… trần thân, nhưng ai cũng mừng, vì con nào xách cũng nặng tay.
Quả thật có nhiều giống cá chỉ thích tìm mồi ở tầng đáy, vì vậy câu chúng phải để cục mồi gần sát đáy chúng mới gặp mà cắn câu. Ở đồng ruộng thì có cá trê, ở sông thì có cá tra, cá vồ đen, cá thiều, cá dứa… Chỉ những ngày mà nhiệt độ nước ở tầng đáy lạnh thì cá mới không ăn nước chìm mà ngoi lên ăn nước nổi.
Điều này, thợ câu chuyên nghiệp ai cũng rành. Hễ họ thả mồi sát đáy quá lâu mà không thấy cá ăn mồi thì cuốn nhợ để cầm xem cục chì ấm lạnh ra sao: nếu cục chì lạnh thì lo điều chỉnh cục mồi cao lên để… đón cá đang ăn nước nổi. Ngược lại, nếu cục chì vẫn ấm thì cứ thả mồi câu nước chìm như trước.
Có nhiều giống cá chỉ thích ăn loại mồi này mà không mặn mà lắm với những thứ mồi khác. Khi đói cá cũng ăn tạp. Mồi thì có nhiều thứ như mồi thực vật, mồi động vật và mồi ướp có mùi tanh tưởi do người đi câu tự pha chế theo kinh nghiệm riêng: Mồi thực vật cổ mồi khoai lang luộc, bông lúa, bông cỏ, trái cây mắm chín, cám gạo … để câu cá mè vinh, trắm cỏ, cá dứa, cá bông lao, cá thiều … Cây mắm là giống cây tạp có thân cao to, mọc hoang hay được trồng dọc bờ sông để giữ bờ khỏi bị sạt lở. Trái cây mắm khi chín rụng xuống nước làm mồi ngon cho cá. Dân đi câu biết vậy nên mới dùng nó để làm mồi câu rất nhạy.
Mồi động vật thì có rất nhiều như tôm, tép, cá con, cua lột, cá linh, gián, dế, cào cào, trứng kiến, nhộng ong, trùn hổ, trùn huyết, trùn mủ, con hà, thằn lằn, nhái, tim bò, ruột gà vịt … Trong số các loại mồi đó, trứng kiến là thức ăn khoái khẩu của cá rô, cá sặt.. Thằn lằn, nhái làm mồi câu cá lóc, cá bông… Trùn, hà, dế câu cá rô, trê, bống kèo, bống dừa … Gạch tôm (đầu tôm) dùng làm mồi câu cá chép rất nhạy.
Còn mồi tự chế thì như trên đã nói, là do kinh nghiệm của mỗi người. Không những ở ta mà Tây, Tàu gì cũng có cả, nếu kể ra cũng có hơn hai trăm loại. Những mồi nay đòi hỏi phải có mùi tanh tưởi, thơm hay thúi, hoặc béo ngậy… sao cho cá từ xa đánh hơi được là tìm đến ăn mồi. Mồi này tùy vào cách chế biến mà dùng để câu cá đồng hay cá sông, nhạy hơn mồi có nguồn gốc từ thực vật và động vật.
BIẾT CHỌN BÃI CÂU THÍCH HỢP:
Với người đi câu tài tử thì không mấy ai quan tâm đến việc chọn bãi câu cho mình. Vì đối với họ, mục đích đi câu là để giải trí, để giết thì giờ rỗi rãi, còn câu được số cá ít hay nhiều không là chuyện đáng lưu tâm. Vì vậy, đôi với họ, chỉ cần một nơi sạch sẽ, mát mẻ để ngồi buông câu, chờ phao động đậy để được giật cần là đủ thú vị rồi.
Thế nhưng, với người đi câu chuyên nghiệp thì họ lại nghĩ khác: đi câu để giải trí được coi là việc phụ, còn việc làm sao câu được nhiều cá mới là việc chính. Lẽ dễ hiểu là có câu được nhiều cá họ mới đổi ra được thóc gạo, thức ân để nuôi sống họ và gia đình.
Do đó chọn bãi câu đối với họ là việc rất quan trọng. Đó phải là nơi có thật nhiều cá để câu. việc này tất nhiên không dễ, trừ người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề ra, không phải bất cứ ai cũng có thể biết được.
Với người giàu kinh nghiêm, họ chỉ cần dừng chân đứng trên bờ quan sát tình hình nước nôi ở thửa ruộng, hay ao hồ nào đó trong chốc lát là có thể đoán biết được dưới đó có nhiều cá hay không, cá lớn hay cá bé, và nhiều nhất là giống cá gì … Chẳng hạn nơi ao sâu nước cả thì có nhiều cá lớn. Ao sâu mà nước trong veo, rong bèo thưa thớt thì tuy có cá lớn nhưng cá nhát mồi khó câu. Còn ruộng hay ao hồ mà nước tụ đọng lâu ngày, có nhiều cỏ và rong bèo tươi tốt là ao nhiều cá, vì nước đủ dưỡng khí, độ PH vừa phải và có đầy đủ thức ăn để sống. Nước ruộng hay ao sình lầy vẩn đục thì lắm cá trê…
Quý vị cũng biết, ruộng đồng, ao hồ, đầm bàu, hễ nơi nào có nước là ở đó có cá, không ít thì nhiều. Nhưng cũng thửa ruộng đó, ao hồ đó, không phải ta buông cần ở vị trí nào cũng câu được nhiều cá như nhau.
Giống cá rất khôn, chúng biết tụ tập đông đảo tại những vùng nước sâu trong thửa ruộng để tìm mồi. Mà những nơi nước sâu như vậy lại thường có nhiều rong bèo, rau cỏ mọc từng giề, từng bè nổi lềnh bềnh trên mặt nước nên là chỗ ẩn thân tốt cho cá. Chính nơi đây mới là nơi buông cần lý tưởng nhất.
Muốn có những bãi câu tốt như vậy, người đi câu chuyên nghiệp nào cũng phải bỏ nhiều thì giờ và công sức ra đi đó đi đây nhiều nơi để tìm kiếm … Để rồi từ đó, nay họ đến câu bãi này, mai kia họ lại rê cần qua câu bãi khác, mà khi nào cũng được giật cần thỏa thích.
Chọn được bãi câu lắm cá, ta còn phải bỏ công sức ra dọn dẹp cho nó trống trải luồng câu mới mong câu được cá. Mà ngay việc câu cắm, coi như câu… cầu may nên mới câu một lần nhiều cần, ta cũng phải tìm cho được bãi câu thích hợp.
Nếu câu cắm trong ruộng lúa cũng phải tìm đến những thửa ruộng sâu, có mực nước dâng cao gần bờ. Nếu ruộng đó lúa nở bụi tươi tốt, lại có nhiều rong bèo do nước có nhiều dưỡng khí thì chắc chắn ao đó sẽ có nhiều cá. Nếu câu cắm ở các ao hồ, đìa bàu cũng phải hội đủ những tiêu chuẩn vừa kể, còn nếu câu cắm dọc theo bờ mương rãnh thì phải chọn mương rãnh ăn thông với nhau, có đường nước chảy để cá di chuyển theo đường nước mà ăn mồi.
Với người câu chuyên nghiệp lúc nào trong đầu họ cũng thuộc nằm lòng nhiều bãi câu nhiều cá như vậy, nhờ đó mà lần nào vác cần ra đi họ đều gặp may, không phải xách giỏ về không.
Tìm đúng ra những nơi có nhiều cá làm bãi câu là chuyện đáng mùng. Nhưng nếu nơi đó sạch sẽ, thoáng mát và nhất là yên tĩnh nữa thì lại càng ưng ý hơn
Vì như ta đã biết, giống cá rất tinh khôn và nhát người. Chúng chỉ thích sống ở những nơi thật sự yên tĩnh. Hễ bị động là chúng liền rủ nhau rồng rắn tìm đường trốn lánh biệt tám. Phải chờ cả buổi sau chúng mới trở lại điểm cũ, nhung rất nhát mồi. Chính vì vậy nơi câu cá không để cho trẻ con nô đùa, và bạn câu với nhau cũng không nên nói chuyện ồn ào.
BIẾT CHỌN GIỜ CÂU THÍCH HỢP:
Cá hoang không ăn theo bữa mà cả ngày kéo đi lùng sục đây đó để tìm kiếm thức ăn nhưng chưa chắc chắn đã đủ no. Vì như chúng ta đã biết, trong đồng ruộng, ao hồ, sông suối tuy thức ăn đa dạng và nhiều, thế nhưng do đa số giống cá lại chỉ tìm thức ăn riêng khoái khẩu cho mình mà việc đó không phải là chuyện dễ. Mặt khác, lượng thức ăn nhiều hay ít trong môi trường sống của chúng lại tùy vào các mùa trong năm. Chẳng hạn, trong mùa mưa thức ăn dồi dào hơn mùa khô hạn. Mặt khác, không phải bất cứ giờ giấc nào trong ngày cá cũng chịu ăn mồi. và thời tiết bên ngoài cũng góp phần ảnh hưởng đên việc ăn mồi của cá.
Điều này thì những người đi câu chuyên nghiệp quá rành, vì kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đã dạy bảo cho họ. Vì vậy, mỗi ngày họ biết chọn giờ giấc nào thích hợp để vác cần đi câu và gặp thời tiết nào họ đành chán ngán ngồi ở nhà. Nhờ biết tính cá rõ như vậy nên mỗi lần ra quân, họ đều thắng lợi trở về.
Biết câu tùy giờ, tùy lúc:
Câu nhắp, câu rê, cá lóc ăn mồi bạo vào lúc sáng sớm (trước khi mặt trời mọc) và lúc chạng vạng tối (sau giờ mặt trời lặn). Những đêm trăng sáng, cá lóc vẫn ăn mồi.
Câu các loại cá đồng khác:
Sáng: từ 6 giờ đến 10 giờ.
Chiều: từ 15 giờ đến 17 giờ.
Buổi trưa, trong khoảng từ 10 giờ đến 15 giờ chiều, trời nắng gắt nên cá lùi vào chỗ mát ẩn núp. Chỉ con nào đói lắm mới chịu ló ra ăn mồi.
Từ 17 giờ trở đi, cá chậm ăn mồi (ban đêm câu cắm vẫn được cá, nhưng số lượng không nhiều, vì thực tế cho thấy đâu phải cắm bao nhiêu cần là cần nào cũng được cá cả).
Cá ở sông chỉ ăn mồi bạo khi con nước đang lớn và nước đứng. Nước bắt đầu giựt (ròng) là cá đã bớt ăn mồi.
Biết câu tùy thời tiết:
Trời vần vũ chuyển mưa và đang mưa cá không ăn mồi. Chúng lặn sâu xuống tận đáy hoặc ẩn mình dưới các đám rong cỏ.
Ngay sau cơn mưa, tức cơn mưa vừa tạnh cá vẫn ít ăn mồi (vì được ăn no nê các loại côn trùng như kiến, cào cào, sâu, …đậu trên lá cỏ, lá lúa bị nước mưa làm rớt xuống). Nhưng thông thường, sau mỗi cơn mưa lớn một lúc lâu, cá chịu ăn mồi bạo trở lại.
Biết câu tùy mùa:
Thông thường không phải vào mùa nào trong năm cũng thích hợp với nghề câu.
Vào mùa nắng hạn, ruộng đồng khô cạn nên không phải là mùa câu cá. Vào mùa này muốn kiếm được một vài con cá kho ăn cho mặn miệng, chỉ còn cách tìm đến những thủa ruộng sâu, những ao bàu rộng lớn ở giữa đồng, nơi có nhiều cá tụ tập sống ở đó.
Mùa câu cá đồng bắt đầu sau mùa mưa vài tháng. Thời gian này cá từ các sông suối tràn vào đồng sinh đẻ nên lớp cá con lớn lên tha hồ cho ta câu.
Cá bống dừa câu quanh năm.
Cá sông cũng câu quanh năm, vào lúc thời tiết tốt và đúng lúc con nước lên.